Dù đã trở thành một chất liệu, kỹ thuật hội họa độc đáo Việt Nam từ gần một thế kỷ nay với một số bậc thầy xuất chúng và không ít các danh tác ‘cuộc chiến’ nội bộ của sơn mài vẫn dằng dai trên biên giới giữa mỹ nghệ và hội họa, trang trí và tạo hình.Thế lưỡng nan này sinh ra do mâu thuẫn giữa những phẩm chất tạo hình rất độc đáo của sơn mài từ nguyên vật liệu bản địa không thể thay thế, kỹ thuật thủ công với nhiều bí kíp riêng khó chuẩn hóa, những hiệu quả ngẫu nhiên hấp dẫn và những sự trói buộc của chính các ưu thế này đối với việc biểu hiện hiện thực cũng như sự tư do bay bổng chủ động và thỏai mái của xúc cảm sáng tạo. Tiếp sau đỉnh cao thời Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930/40 và Hiện thực XHCN những năm 1960 là những thử nghiệm đa dạng từ những năm Đổi mới tới nay. Trong bối cảnh đó, những thể nghiệm và thành công của Võ Xuân Huy là một thí dụ nổi bật.
Tôi thấy họa sĩ đã xuất phát không từ bề mặt đã hòan thành của sơn mài để dùng nó như một ngôn ngữ có sẵn cho sự biểu hiện mà từ bên trong quá trình phôi thai của chất liệu. Những đặc điểm chất liệu và kỹ thuật từ rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… được ‘thuần hóa’ và sử dụng rất chủ động để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện, tức thời. Họa sĩ đã dũng cảm ‘can thiệp’ vào ngữ pháp và từ vựng tưởng như đã định hình bất biến của chất liệu cổ truyền. Bức tranh mang tính biểu hiện cao với các hiệu quả hội họa trực tiếp như dưới các nhát bút sơn dầu hay màu nước. Bức tranh trở thành các tác phẩm biểu hiện trừu tương của chủ nghĩa hiện đại. Bảng màu được mở rộng với các gam lạnh, nhẹ cùng sự thoáng qua khó nắm bắt. Võ Xuân Huy không nương nhờ vẻ đẹp vàng son, trầm ấm hay cái điệu đà, duyên dáng của sơn mài ‘cổ’ , cũng không cầu viện nơi các mô-típ, chủ đề ‘dân gian, lễ hội hay tâm linh’! Những bức không hình trực chỉ từ cảm thức sáng tạo hiện đại và các đặc điểm chất liệu, kỹ thuật đã đưa sơn mài sang hẳn địa hạt của tâm tình hội họa Tôi thấy ở đây những hiệu quả biểu chất, sắc độ, hình, nét và không gian bất ngờ, hiếm thấy ở tranh sơn mài. Dù không hẳn tin các ý tưởng triết lý mà tác giả nêu ra cho các ‘biến thể’ sơn mài của mình, ta vẫn phải nhận rằng với Võ Xuân Huy có vẻ như sơn mài có thể là hội họa thuần túy với đủ mọi cung bậc cảm xúc và tạo hình mà ở đó ngừơi ta hòan tòan có thể tự do tung hoành, tự biểu hiện.
“Vấn đề không chỉ là bảo tồn hay noi theo truyền thống mà phải là hiện đại hóa truyền thống.” Ta dễ dàng nhất trí với Nguyên Ngọc khi xem tranh sơn mài của Võ Xuân Huy.